Nguy cơ thép ngoại ‘đè’ thép nội: Làm thế nào để ngăn chặn?
Nhiều sản phẩm thép dù trong nước đã sản xuất được nhưng thép nhập khẩu vẫn gia tăng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn muôn bề, cắt giảm sản xuất, giảm nhân viên.
Nhiều nước tăng cường bảo vệ sản xuất thép
Thời gian qua, hầu hết các nước đều đã áp dụng các chính sách để hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm thép thông qua việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, gian lận xuất xứ hay hạn chế bằng số lượng nhập khẩu mỗi năm…
Mới nhất, cuối năm 2022, Ủy ban Châu Âu xem xét mức thuế chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu thép từ nhà sản xuất Ấn Độ, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và VN. Nguyên nhân do các nhà máy thép Đông Nam Á và Ấn Độ đang là nhà cung cấp thép cuộn cán nóng (HRC) lớn nhất cho EU trong năm vừa qua với thị phần nhập khẩu HRC của khối lên 46%, tăng từ 38% của năm 2021.
Do đó, các nhà máy thép tại Nhật Bản cũng như châu Á đã dè dặt hơn trong việc xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC sang EU bởi lo ngại về khả năng EU sẽ đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại. Trước đó, EU cũng đã đưa VN vào nhóm các nước áp dụng hạn ngạch nhập khẩu với mức 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng HDG từ ngày 1.7.2021 – 30.6.2022 và tăng 4% trong 2 năm sau đó. Hay như thép cán nguội từ VN nếu sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tổng cộng hơn 450%. Tương tự sản phẩm tôn mạ bị áp hai loại thuế này tổng cộng lên đến gần 240%…
Không chỉ Mỹ, EU, Canada, Mexico… đã áp thuế rất cao với các sản phẩm thép nhập khẩu, những nước trong khu vực ASEAN hay châu Á cũng tương tự. Ngoài việc áp dụng chính sách thuế, nhiều nước đã dựng hàng rào quy chuẩn kỹ thuật khắt khe cũng nhằm hạn chế lượng thép nhập khẩu vào thị trường nội địa.
Chẳng hạn, để xuất khẩu thép vào Indonesia, các sản phẩm phải được cấp chứng nhận SNI là Tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia. Các nhà sản xuất nước ngoài khi xin cấp SNI cần thông qua một người đại diện (công ty hoặc cá nhân) ở Indonesia để đăng ký. Người đại diện này sẽ được ủy quyền thay mặt cho nhà sản xuất nước ngoài để làm việc trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận SNI. Chứng chỉ SNI cấp thông qua quá trình sản xuất, kiểm toán hệ thống quản lý liên quan và giám sát thử nghiệm tại nhà máy hoặc trên thị trường…
Chưa hết, sau khi được cấp giấy chứng nhận SNI thì doanh nghiệp (DN) đều phải xin cấp phép sử dụng nhãn SNI. Tiếp theo, hàng hóa nhập khẩu buộc phải có chứng nhận SNI theo quy định sẽ buộc phải được kiểm soát thông qua mã NPB – thông qua việc có được giấy chứng nhận phù hợp được ban hành bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp cụ thể…
Nhiều DN cho biết để xin được hồ sơ xuất khẩu thép sang nhiều nước là cả một quá trình gian khổ với nhiều tiêu chí, quy định nghiêm ngặt. Trong khi đó tại VN, số liệu công bố từ Bộ Tài chính cho biết thống kê số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 năm 2018 đạt 5,3 triệu tấn với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,09 tỉ USD. Trong đó, 88% tổng kim ngạch nhập khẩu chịu thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) là 0%, như sản phẩm HRC nhập từ Trung Quốc.
Tại VN, năm 2019, Bộ Tài chính đã từng đưa ra dự thảo đề xuất tăng thuế đối với sản phẩm HRC (thuộc nhóm 72.08) lên 5% thay vì mức 0% như hiện hành. Lý do đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng này được Bộ Tài chính đưa ra là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào VN, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh.